Luật Biên phòng Việt Nam - những điều cần biết

DLA

Biên phòng - Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) năm 2020 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, bao gồm 6 chương với 36 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Sự ra đời của Luật BPVN đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế.

 

data

 

Một số điểm mới của luật biên phòng Việt Nam:

Luật BPVN bao gồm 6 chương, 36 điều, đã quy định nổi bật những nội dung sau:

- Thể hiện rõ chủ trương của Đảng về công tác biên phòng, hướng đến mục tiêu thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, Luật đã cụ thể hóa định hướng lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể, đặc thù đối với hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

- Luật BPVN đã quy định nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, lực lượng vũ trang nhân dân và một số các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP như hình thức và biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

- Luật BPVN tập trung quy định bảo đảm các nguồn nhân lực, tài chính, tài sản để phục vụ nhiệm vụ biên phòng và một số đối tượng ưu tiên, cụ thể: bảo đảm nguồn nhân lực; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm tài sản; quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các Bộ, cơ quan ngang bộ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng; Quy định phối hợp giữa BĐBP với các cơ quan, đơn vị trong quân đội nội dung thực thi nhiệm vụ biên phòng. Thông qua việc quy định cụ thể trách nhiệm riêng cho từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Luật này cũng chỉ rõ các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp “nền biên phòng toàn dân”, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

- Những nội dung đó đã tạo cơ sở pháp lý nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ở khu vực biên giới, hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Xem thêm về luật Biên phòng Việt Nam tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-so-66-2020-QH14-Bien-phong-Viet-Nam-2020-439845.aspx

Ban Tuyên giáo

Đoàn trường DLA